Trang sức vàng: Nét đặc trưng trong văn hóa của phụ nữ miền Tây
Miền Tây không phải là nơi có nhiều tài nguyên vàng, thế nhưng, trang sức vàng của người miền Tây chưa bao giờ kém cạnh các vùng khác.
VÌ SAO NGƯỜI MIỀN TÂY THÍCH ĐEO VÀNG?
Nói đến miền Tây thì không thể bỏ nét văn hóa đeo trang sức vàng của người dân nơi đây. Nhiều người miền khác thường bất ngờ vì độ đeo vàng của người dân miền Tây. “Đeo vàng đầy tay” có lẽ đã trở thành định dạng cho bất kỳ người phụ nữ miền sông nước nào. Vậy tại sao người miền Tây lại thích đeo vàng đến vậy?
Nguồn gốc của sở thích đeo trang sức vàng
Theo một số nguồn thông tin, niềm đam mê dành cho vàng của người miền Tây chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Khmer. Người Khmer rất thích trang sức vàng do chịu ảnh hưởng nhiều bởi Ấn Độ và Ấn Độ giáo – một quốc gia nghiện vàng. Thêm vào đó, trước kia số lượng đồng bào Khmer rất đông đúc ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nên sở thích này đã dần trở thành sở thích chung cho hầu hết người dân khu vực miền Tây. Đó cùng là giải thích được nhiều người đồng ý nhất cho thói quen đeo vàng của người miền Tây.
Đặc biệt, người phụ nữ miền Tây rất thích đeo những bộ vòng ximen bằng vàng đến “đỏ cả tay”. Một điều bất ngờ là chiếc vòng ximen này lại có nguồn gốc từ nước Pháp. Tên gọi chính xác của nó theo tiếng Pháp là Bracelet Femme Semaine – một loại vòng tay đại diện cho 7 ngày trong tuần.
Vì vậy, loại vòng này thường sẽ có 7 chiếc và thường được gắn kết với nhau tạo thành một chiếc vòng duy nhất. Khi món trang sức này du nhập vào Việt Nam vào thời Pháp thuộc, vòng ximen được người miền Tây ưa chuộng và có một số biến tấu với các chiếc vòng được tách ra. Đồng thời, số lượng vòng cũng được thay đổi, không nhất thiết phải là 7 chiếc như nguyên bản.
Bên cạnh giải thích trên, nhiều người cũng có cách lý giải khác. Người ta nói rằng, miền Tây xứ hầu hết là dân du cư. Cuộc sống của họ không ổn định nên họ cần trữ một loại tài sản có thể dễ dàng mang đi. Và trang sức, vòng vàng là lựa chọn tốt nhất. Tuy ngày nay, cuộc sống đã ổn định hơn nhưng thói quen xưa vẫn được duy trì và truyền lại cho con cháu. Đặc biệt mỗi dịp đám tiệc luôn là lúc để “các cô các thím” mang thật nhiều trang sức vàng lên người.
Miền Tây là xứ xài vàng nhiều nhất nước ta
Miền Tây không phải là nơi có nhiều tài nguyên vàng, thế nhưng, trang sức vàng của người miền Tây chưa bao giờ kém cạnh các vùng khác. Chuyện người miền Tây đeo vàng trở thành một quy tắc bất thành văn trong đời sống, đặc biệt trong các dịp đám tiệc. Nếu bắt gặp một người phụ nữ “mượn vàng, thuê vàng, mua vàng giả,…” để đi đám cưới cũng không có gì lạ ở miền Tây.
Truyền thống sắm vàng không chứng tỏ được rằng người Nam Bộ giàu có. Kể cả khi ngôi nhà thường tạm bợ thì họ vẫn phải dằn túi vài chỉ vàng. Nhà cửa có thể không được hoành tráng nhưng vàng thì không thể thiếu.
Không khó để nghe những câu như: đeo vàng sến súa, khoe của quê mùa,… khi người ta bắt gặp một người phụ nữ đeo cùng lúc vài chục chiếc vòng ximen, nhẫn, lắc…. Chưa kể đến những dịp đám tiệc thì số lượng vàng còn tăng lên hai, ba lần. Nhưng người miền Tây thì vẫn vô lo, mặc kệ mọi lời bàn tán. Đối với họ thì “sắm vài bộ vòng vàng cho yên tâm!” mới là điều cần để ý. Đó là cách để họ có thể tự tin về tài chính khi ra đường, bởi phải đeo vàng “để cho có với người ta”.
“Đeo vàng, cầm tiền đi đường quyền” – Cô Minh Hiếu
Về số lượng vòng ximen, như đã đề cập trên, vòng thường không cần phải đúng 7 chiếc. Số lượng vòng có thể là 10, 12 thậm chí là 20 chiếc… Điều đó phụ thuộc vào kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, người ta sẽ tránh không đeo 3, 13 chiếc… vì theo quan điểm tâm linh rằng có thể gặp vận xui khi đeo theo số lẻ như vậy.
Nói cho cùng, người miền Tây đeo vàng đơn thuần vì họ thích thế, vì điều đó khiến họ cảm thấy tự tin, an lòng hơn. Đó cũng là cách họ thay đổi tướng số và thu hút tài lộc vào nhà. Với người miền tây, trang sức vàng vốn đã trở thành một dấu ấn đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa miền sông nước.